Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp ở TPHCM có công đoàn cơ sở

10/01/2019 7:25 AM

(Chinhphu.vn) - Theo UBND TPHCM, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện trên địa bàn mới chỉ có hơn 17.000 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trên tổng số gần 172.000 doanh nghiệp đang trú đóng trên địa bàn.

Dân chủ tại nơi làm việc: Đa số chỉ ở doanh nghiệp có công đoàn

Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 (quy định chi tiết khoản 3 điều 63 Bộ Luật Lao động), đã có những kết quả tích cực ban đầu trong tổ chức thực hiện các quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát…

Trong đó, hai công tác quan trọng đã được triển khai tới doanh nghiệp (DN) là đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động (hoặc đại diện tập thể người lao động) và hội nghị người lao động thường niên.

Cụ thể, số DN trên địa bàn TPHCM thành lập tổ chức công đoàn tăng đều qua các năm, từ mức 13.770 DN vào năm 2013 lên khoảng 17.045 DN năm 2018 (tăng gần 24%). Theo đó, sự có mặt của đại diện người lao động đã giúp tỷ lệ DN thực hiện được công tác đối thoại giữa chủ DN-người làm công tăng từ mức 26% năm 2013 lên mức 72% năm 2017. Nội dung đối thoại khá đa dạng, từ chính sách lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm đến điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động hay bữa ăn giữa ca, tình hình trật tự trong công ty…

Riêng về tổ chức Hội nghị người lao động, tỷ lệ DN hưởng ứng cũng tăng từ mức 27% lên mức 65% sau 5 năm. Tại đây, người làm công được chủ DN công khai thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh, được tham gia góp ý cho thỏa ước lao động tập thể, cho quy chế phân phối quỹ phúc lợi, quy chế nâng lương, nâng bậc, thi đua khen thưởng, định mức lao động…

Tỷ lệ DN thực hiện được ký kết thỏa ước lao động tập thể cũng tăng từ mức 43% lên 47%.

Nhờ dần ổn định quan hệ lao động nên các tranh chấp hay đình công vì vậy đã có xu hướng giảm đi, từ 97 vụ đình công năm 2013 về còn 25 vụ năm 2018.

Chưa thực hiện tốt dân chủ ở nơi làm việc, vẫn còn lắm lý do

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, theo dõi tình hình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 5 năm qua cho thấy, vẫn còn một số người lao động, người sử dụng lao động chưa quan tâm đến quy chế này. Trong khi nhiều lao động thờ ơ với quyền và nghĩa vụ của mình thì chủ DN cũng chưa tạo điều kiện về thời gian cho công đoàn cơ sở hoạt động, nhất là tại các DN tư nhân, DN vừa và nhỏ. Vì vậy chuyện đối thoại giữa đôi bên là rất khó thực hiện.

Thậm chí ngay cả khi đã thực hiện quy chế thì vẫn còn những DN giải quyết chưa thỏa đáng các kiến nghị của người lao động, dẫn tới khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

“Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi không thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở còn thấp so với chi phí mà DN phải bỏ ra nếu làm đúng quy định”, Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM nhận xét thêm.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì nhiều quy định của quy chế dân chủ cơ sở trên thực tế còn một số điểm hạn chế, không phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ví dụ như quy định về trình tự, thủ tục tổ chức Hội nghị người lao động khá phức tạp, nhất là với DN có lực lượng lao động lớn.

Bà Võ Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 5 còn đề cập tới một loạt lý do khác mà DN hay viện dẫn để tránh né đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động như: “lo làm ăn nên… không có thời gian họp!”; “DN có văn phòng đại diện tại nhiều địa phương nên khó tập hợp người lao động để tổ chức họp”; “DN đang giảm biên chế, một người phải đảm đương nhiều nhiệm vụ nên khó sắp xếp thời gian tham gia hoạt động khác”; “DN không có nơi để… tổ chức hội họp”; “DN không biết pháp luật lao động quy định”; “DN không đủ điều kiện thành lập công đoàn nên không tổ chức hội nghị người lao động” v.v…

Ông Trương Văn Hai, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi thì cho rằng “có tổ chức công đoàn cơ sở tại DN chưa đủ mạnh. Người đại diện công đoàn cũng là người lao động nên chưa làm hết trách nhiệm của mình khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công, không dám góp ý khi chủ DN có hành vi vi phạm pháp luật”

Đối thoại doanh nghiệp-người lao động: Nền tảng của mối quan hệ tiến bộ

Lắng nghe các báo cáo và phân tích từ các quận huyện về thực thi quy chế dân chủ cơ sở, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khẳng định trong thực hiện quy chế này, quan trọng nhất là tổ chức đối thoại giữa đại diện DN và người lao động - công đoàn. “Làm được công tác này một cách công khai, minh bạch thì chuyện gì cũng có thể gỡ được. Còn nếu cứ úp úp, mở mở, nói một đường, làm một nẻo thì rất dễ xảy đến căng thẳng giữa chủ DN và người làm công ăn lương”.

Người đại diện UNND TPHCM vì vậy đã yêu cầu các sở ngành, công đoàn các cấp cùng lãnh đạo các DN phải tăng cường thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Tất nhiên là bằng nhiều hình thức hợp lý, hạn chế tình trạng sao chép không phù hợp với địa phương, đơn vị mình nên tạo ra bất cập, mâu thuẫn trong thực tế. “Công đoàn cơ sở cần nâng cao vai trò giám sát, phản biện, tức phải quan tâm tới cả quyền và lợi ích chính đáng của cả người làm công và DN”.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu còn yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chấp hành các quy định về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt chú trọng các DN chưa có tổ chức công đoàn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm việc thực hiện quy chế trên cần có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc, không để dắt dây, lây lan từ DN này qua DN khác”, bà Thu nhấn mạnh.

Được xem là một trong những DN điển hình trong thực hiện các quy định liên quan tới lao động, ông Nguyễn Anh Phong - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam thì kiến nghị DN cần được quan tâm nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt ở các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành. “Là đầu kéo hoạt động công đoàn nhưng thực tế hiện nay cán bộ công đoàn cơ sở là những người kiêm nhiệm, bận công việc chuyên môn và thời gian dành cho học tập, nghiên cứu văn bản có liên quan rất hạn chế. Vì vậy không kịp thời nắm bắt thông tin hay triển khai nhiệm vụ để chăm lo tốt hơn cho người lao động”.

Hiện tại, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng con số mới chỉ hơn 17.000 DN có công đoàn cơ sở trên tổng số gần 172.000 DN đang trú đóng trên địa bàn cho thấy ngành công đoàn TPHCM vẫn còn nhiều việc phải làm để quy chế dân chủ tại nơi làm việc thực sự đi vào cuộc sống của đông đảo người lao động.

Phương Hiền

Top