Tái cấu trúc TP Hồ Chí Minh theo xu hướng đa tâm

06/11/2015 1:15 PM

(Chinhphu.vn) - Theo kĩ sư Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, TP Hồ Chí Minh cần phát triển theo hướng đa trung tâm, định hướng giao thông công cộng để giảm ùn tắc, kết hợp không gian giữa tập trung và phân tán bao gồm cụm trung tâm hiện hữu và 4 trung tâm khu vực.

Ngày 6/11, UBND TP Hồ Chí Minh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý quy hoạch – kiến trúc TP Hồ Chí Minh”.

Tại hội thảo, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng  Bộ Xây dựng cho biết: TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, đóng góp trên 20% GDP và trên 30% ngân sách quốc gia, là một trong những đô thị lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, không gian đô thị không ngừng được mở rộng, nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh theo xu hướng tập trung hóa đã khiến thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hệ thống hạ tầng xã hội, nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu tăng cao…

“Để vươn tới vai trò trung tâm lớn kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà TP Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện là làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, có những giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tổ chức lại dân cư, đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển các chương trình nhà ở, nhất là nhà ở xã hội…”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, là một trong 2 đô thị đặc biệt trong 78 đô thị của Việt Nam, thành phố đang giữ vị trí và vai trò quan trọng, từ một trung tâm công nghiệp lớn trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục…nhưng vẫn bảo tồn được những nét văn hóa  riêng. Hiện thành phố đang nỗ lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, kết nối hạ tầng các tỉnh, thành trong vùng, tăng cường quản lý bảo vệ môi trường, tổ chức lại đời sống dân cư.

Theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian qua chất lượng các đồ án quy hoạch được triển khai quá dồn dập, dàn trải, thiếu sự gắn bó giữa các cơ quan quản lý trong khi đó thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông Trần Chí Dũng đề xuất mô hình phát triển đô thị đa tâm, kiểm soát tình trạng đô thị hóa tự phát, gắn khu đô thị mới với vùng TP Hồ Chí Minh.

Kĩ sư Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nâm) cho rằng, thành phố cần phát triển đa trung tâm, định hướng giao thông công cộng để giảm ùn tắc, kết hợp không gian giữa tập trung và phân tán bao gồm cụm trung tâm hiện hữu như Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng và 4 trung tâm khu vực gồm hướng Đông (Khu đô thị công nghệ cao, quận 9), hướng Nam (Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè), Tây Bắc (Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi) và Tây Nam (Khu đô thị Tân Tạo – Tân Kiên, chuyện Bình Chánh).

Trong khi đó, theo đề xuất của Tiến sĩ, chuyên gia kiến trúc Ngô Viết Nam Sơn (Hội Kiến trúc cảnh quan Á Châu), thành phố cần tổ chức đô thị theo tuyến và cụm kết nối với nhau để phát triển giao thông công cộng. Theo đó, sẽ phát triển các khu đa chức năng theo chiều đứng hoặc chiều ngang, xây dựng trong khoảng cách đi bộ đến trạm giao thông công cộng gần đó, với mục đích tạo ra môi trường sống bền vững, khả thi về tài chính, sống động với các chức năng phục vụ sinh hoạt, làm việc, vui chơi giải trí…

Nam Đàn

Top