Cần cơ chế “đặc thù” về sĩ số lớp cho địa phương dân cư đông
10:00, 03/10/2018
(Chinhphu.vn) - Tại Hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 2/10, nhiều đại biểu cho rằng nhiều nội dung của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn còn chung chung, chưa sát với yêu cầu của thực tiễn.
![]() |
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu góp ý về dự thảo Luật giáo dục sửa đổi. Ảnh: VGP/Gia Mỹ |
Đứng ở góc độ của ngành GD-ĐT thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần tiếp tục được điều chỉnh ở nhiều nội dung để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Việc quy định riêng rẽ nhiều loại hình trường học gồm: công lập, tư thục, dân lập và trường có vốn đầu tư nước ngoài khá rối và khó quản lý so với cách phân chia hiện nay là loại hình trường công lập (có vốn đầu tư nhà nước) và ngoài công lập (vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân). Trong đó loại hình ngoài công lập bao gồm các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Về quy định tiêu chuẩn sĩ số học sinh/lớp, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng không nên cứng nhắc như hiện nay, áp khung là bậc Tiểu học là 35 học sinh/lớp và THCS là 45 học sinh/lớp. Nếu cứ như vậy mà không đưa ra cơ chế thực hiện thì những địa phương có áp lực dân cư lớn sẽ mãi “phạm luật”.
Hiện nay, trong khi tại nhiều tỉnh, thành sĩ số học sinh chỉ giao động từ 25-30 học sinh/lớp thì ở TPHCM riêng bậc tiểu học sĩ số trung bình đã là 42 học sinh/lớp, có trường đến 60 học sinh/lớp.
Góp ý tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, Nguyên chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng hiện nay dự thảo Luật giáo dục sửa đổi vẫn còn chung chung, nguyên lý giáo dục còn khó hiểu, dông dài. Theo đại biểu này có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng trong luật thì sẽ nói hoài vẫn không hiệu quả. Cùng với đó bà cũng băn khoăn vì đến thời điểm hiện tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn còn quá nhiều điều giao cho Bộ GD-ĐT quy định.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi hiện nay vẫn chưa có nhiều đổi mới, chưa thấy được kiến trúc riêng, nhiều vấn đề chưa rõ ràng.
Vấn đề về vai trò, vị trí của giáo viên và biên soạn sách giáo khoa cũng được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo lần này.
Hai điểm mới được nhiều đại biểu ghi nhận ở bản dự thảo luật lần này chính là: chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trường THCS công lập, hỗ trợ đóng học phí cho trẻ thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và quy định về nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học, một số chính sách đối với người học, nhà giáo, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường.
Dự thảo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới./.
Gia Mỹ
- Ngày thơ tại TPHCM: Hướng về biên cương tổ quốc
- Ga Sài Gòn hoạt động bình thường sau sự cố tàu trật bánh
- TPHCM bù thêm 150 tỷ đồng để giảm học phí bậc mầm non và THCS
- Câu chuyện trước và sau chiến tranh
- TPHCM: Gần 1.000 ca nhập viện mỗi tuần vì SXH
- Mở văn phòng đại diện Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tại TPHCM
- Món quà dành cho công chúng yêu thi ca, nghệ thuật
- Va chạm liên hoàn, giao thông cửa ngõ phía Tây ùn ứ nghiêm trọng
- Thầy giáo tát, đá mông học sinh bị đình chỉ công tác
- Học bổng Đạm Cà Mau tiếp sức cho sinh viên nông nghiệp
- TPHCM có 65 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
- Lửa thiêu rụi cây xăng
- Phim Cô Ba Sài Gòn đại diện Việt Nam tham dự Oscar 91
- Giáo viên, học sinh TPHCM đóng góp xây trường ở Lý Sơn
- Đại học Mở TPHCM khai giảng khóa liên kết với Trường Rouen Normandie, Pháp
- Công điện của Bộ VHTT&DL về Lễ Quốc tang Chủ tịch nước