Cải tạo kênh, rạch: Giải toả ‘trắng’ hay xử lý từng phần?

11/09/2019 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống sông, kênh rạch của TPHCM là nguồn lực hiếm có nhưng vẫn đang bị lãng phí. Hiện nay, phổ biến tình trạng các dự án bất động sản, nhà dân lấn chiếm san sát nhau, không có khoảng trống dành cho hoạt động cộng đồng… đưa ra yêu cầu bức thiết cho Thành phố phải có biện pháp xử lý tận gốc. Cải tạo sông, kênh rạch ở TPHCM: Khó khăn nhất là gì?
Tình trạng lấn chiếm hành lang sông, rạch ở TPHCM còn phổ biến mà chính quyền chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Ảnh: VGP

Để khắc phục tình trạng trên, KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng Thành phố cần cân nhắc 2 phương án.

Thứ nhất là giải toả “trắng”, tạo không gian mới đầy đủ chức năng dọc theo tuyến sông, bờ kênh, bằng việc thực hiện cuốn chiếu từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức cho dân tái định cư lại. Tạo dựng cho người dân tái định cư cuộc sống bảo đảm về kinh tế, xã hội, đồng thời nâng cao đẳng cấp giá trị không gian cảnh quan sông nước, diện mạo đô thị…

Theo KTS Mười, giải pháp này đỏi hỏi nguồn kinh phí lớn, cần chiến lược cuốn chiếu phù hợp, có quy hoạch cụ thể và phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tránh khi nơi mới giải toả lại tiếp tục bị lấn chiếm. “Nên đầu tư xây dựng khu tái định cư rồi mới dịch chuyển khu dân cư. Vì vậy, khó khăn bước đầu là cần có quỹ đất trống, hoặc các khu dân cư có sẵn để di dời giải toả mới có quỹ đất sạch để thực hiện dự án”, ông Mười cho biết.

Với giải pháp thứ hai, nếu không đủ kinh phí có thể mở rộng đường hẻm ra bờ kênh rạch để tăng kết nối, thực hiện giải toả các công trình, nhà ở trên các đoạn sông, kênh rạch bị lấn chiếm, an toàn bị đe doạ. Trước mắt xây dựng tuyến đường dọc theo kênh, chấp nhận thu hẹp dòng sông để làm đường bộ và kè chống xói lở. Giải pháp này chưa giải quyết ngay được vấn đề nhưng khắc phục được phần nào điều kiện an toàn và các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài không giải quyết được tận gốc vấn đề, giới hạn sự phát triển đồng bộ, “có thể dẹp khu ổ chuột này lại mọc thêm khu ổ chuột mới”.

Từ kinh nghiệm cải tạo Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, KTS. Khương Văn Mười cho rằng, việc giải toả “trắng” đồng thời với tái định cư sẽ thay đổi cuộc sống của không chỉ người dân sống ven kênh mà còn của khu dân cư lân cận, tạo diện mạo đô thị hoàn toàn mới. Hiện nay, hai bên bờ kênh đã có công viên cây xanh, tuyến đường 2 làn xe kết nối các địa bàn với nhau, giảm áp lực các tuyến xuyên tâm của Thành phố. Nơi đây cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động thể thao, văn hoá, các tuyến du lịch trên kênh cũng được đưa vào khai thác. Đặc biệt, chất lượng nguồn nước, không khí được cải thiện đáng kể, đem lại cuộc sống mới cho người dân Thành phố.

Từ những lợi ích thiết thực đó, KTS. Khương Văn Mười cho rằng chỉ có làm ngay, dứt điểm giải toả “trắng” các khu dân cư, công trình ven bờ kênh, rạch mới đem lại hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, bài toán đặt ra vẫn là kinh phí!

Để giải quyết vấn đề này, TS. KTS. Nguyễn Lâm, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM cho rằng Nhà nước nên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Lập quy hoạch đô thị tích hợp dòng sông và khu vực ven sông, trước tiên nhà quản lý dòng sông, dân cư địa phương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tư nhân cần có sự phân chia chi phí, lợi ích phù hợp. Hơn nữa, khi tiến hành chỉnh trang cải tạo cấp địa phương không nên lập sổ tay mang tính thống nhất mà căn cứ vào từng khu vực, tiến hành chỉnh trang dựa trên hiện trạng có sẵn, không để bị giới hạn, gò bó.

TS. Nguyễn Lâm cho rằng, Nhà nước cần thúc đẩy vai trò của cộng đồng, muốn vậy, cần có thể chế, chính sách để người dân, cộng đồng có thể tham gia tích cực không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch chung mà còn ở giai đoạn duy trì quản lý cải tạo dòng sông.

Với nguồn lực có hạn mà Thành phố phải đối mặt với hàng loạt nhu cầu cấp bách về dân sinh khác, việc xã hội hoá các dự án đầu tư cải tạo bờ sông, kênh rạch có vai trò quan trọng để huy động tổng lực nguồn vốn, có vậy Nhà nước, nhà đầu tư, người dân mới cùng có lợi. Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn này, TS. Nguyễn Lâm cho rằng Thành phố cần có thêm nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, đưa ra nhiều phương án lựa chọn để thu hút các nhà đầu tư vào đấu thầu công khai.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt-Đức cho biết, thời gian qua đã có những mô hình phát triển sử dụng vốn Nhà nước, vốn ODA để cải tạo bờ kè (Bờ bao sông Sài Gòn, Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè); vốn tư nhân là khu đô thị mới và bờ kè (Tân Cảng-Ba Son, Phú Mỹ Hưng) và mô hình BT làm bờ kè chống ngập (Trung Nam).

Đánh giá về các dự án này, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng, các dự án từ nguồn ngân sách hoặc vay vốn ODA có thành công về mặt kinh tế, giao thông, giải quyết được các vấn đề xã hội nhưng chưa tích hợp được đầu tư cải thiện và phát triển không gian kề cận một cách phù hợp, cũng như chưa huy động được đầu tư tư nhân làm giảm gánh nặng đầu tư công.

“Vấn đề cốt lõi là khi thực hiện phải huy động được nguồn lực từ nhiều bên theo mô hình hợp tác cùng đóng góp, cùng hưởng lợi”, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu nêu nhận định.

Bên cạnh đó, khi lập quy hoạch các dự án bờ kè luôn phải lựa chọn ranh thu hồi, khu vực bảo vệ, khu vực giao cho nhà đầu tư, và cơ chế giải quyết bài toán lợi ích đóng-hưởng. Từ trước tới nay, các chủ tài sản bên ngoài ranh được hưởng lợi mà không phải đóng góp, trong khi những người trong ranh phải di dời lại không được chia sẻ lợi ích từ giá trị gia tăng của đất. Từ đó gây nên nhiều mâu thuẫn và cản trở việc thực hiện dự án. “Vì vậy, cần có các chính sách bồi thường thoả đáng để những người phải di dời có thể ổn định đời sống, phát triển kế sinh nhai”.

Tại hội thảo "Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành, các giải pháp để hoàn thành cơ bản bờ kè sông Sài Gòn và kênh nội thành vào năm 2025" do UBND TPHCM tổ chức mới đây, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để quy hoạch xây dựng kè và phát triển đất ven sông, kênh tại TPHCM, trước mắt Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch, phát triển ven sông của các nước.

Đồng thời, TPHCM sẽ phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập úng và thoát nước của Thành phố, định hướng lại những giải pháp vĩ mô trong chống ngập. TPHCM sẽ cân nhắc đến khả năng xây đê chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực huyện Cần Giờ. Cùng với đó là làm rõ các giải pháp kỹ thuật xây kè sông đa chức năng nhanh với chi phí thấp.

Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm các nước xây dựng mô hình hợp tác xây dựng kè và phát triển đất ven sông. Mô hình này được xây dựng theo hình thức PPP, bên cạnh Nhà nước, doanh nghiệp thì người dân cũng được tham gia.

Ngoài ra, hệ thống sông kênh rạch của Thành phố cũng được phân loại chức năng, trong đó rà soát lại hiện trạng sử dụng và có đánh giá về tình trạng xâm lấn. Qua đó, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới sẽ xác định chức năng giao thông, thoát nước, nơi sinh hoạt cộng đồng và các dự án kinh doanh của từng khu vực sông kênh rạch. Trên cơ sở các chức năng như vậy sẽ có các phân khu theo từng khu vực, gắn với đặc thù cụ thể. Chẳng hạn, ở các Quận 1, 2, 3 và 4 là khu vực trung tâm thì ưu tiên rà soát quy hoạch, triển khai thực hiện trước.

Thu Lê

Top