Các chủ dự án đang vướng pháp lý kiến nghị gì với lãnh đạo TPHCM?

27/01/2019 4:17 PM

(Chinhphu.vn) - Cuộc họp mới đây giữa đại diện UBND TPHCM và các doanh nghiệp (DN) bất động sản đã cho thấy những “điểm nóng” chưa bao giờ “nguội”, mà thậm chí có thể sẽ còn trở nên “nóng” gay gắt hơn trước và dự báo thị trường nhà đất giá thấp năm 2019-2020 sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung.

Thị trường bất động sản 2019 sẽ đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung quỹ đất cũng như thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở bình dân. Ảnh minh họa

Giải phóng mặt bằng… chục năm chưa xong!

Rất nhiều trong số những vướng mắc được giới DN bày tỏ đến lãnh đạo TPHCM đều liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng. Bởi không có đất “sạch” đồng nghĩa sẽ không có thêm nguồn cung nhà ở mới cho một thị trường đang bị dự báo là sẽ thiếu hụt một lượng lớn nhà ở giá thấp trong giai đoạn 2019-2020.

Điển hình như các dự án từ Công ty Bất động sản Phú Long. Sau khi trúng đấu giá vào năm 2004 - mua được 14 khu đất tại huyện Nhà Bè, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách, được cấp “sổ đỏ” và đã xây dựng một khu dân cư mới (Dragon City) - đến nay dự án vẫn còn …1 hộ dân không chịu nhận đền bù và di dời, ngược lại còn tiếp tục xây dựng thêm, chăn thả gia súc trái phép, gây ô nhiễm môi trường, xông vào công trường dự án đập phá tài sản.

Hay tại dự án Ngầm hóa đường điện 220kV (từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè) theo phương thức xã hội hóa, Phú Long cũng cho hay đã chuyển 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM để làm công tác đền bù nhưng gần 10 năm qua vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc Điều hành CTCP Địa ốc và Xây dựng SSG2 thì “than thở” dự án chung cư Thảo Điền Pearl (quận 2) đã bàn giao cho cư dân vào sinh sống từ năm 2013 nhưng đến nay việc xây cầu kết nối giữa khu dân cư này với nhà ga số 6 tuyến Metro số 1 vẫn chưa xong do không thương lượng được với 3 hộ dân đang nắm giữ 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu.

Doanh nghiệp này còn cho biết đã được các sở ngành “khuyên” hãy tự thương thảo với dân! “Chúng tôi không thương thảo được dù có tạo điều kiện đưa họ lên dự án sinh sống hoặc có mặt bằng kinh doanh ở khu vực này. Đây là dự án công cộng, DN bỏ tiền ra làm sau đó chuyển giao cho nhà nước mà!”, ông Đồi nói thêm đồng thời cho rằng những cầu dẫn kết nối với Metro ở các địa điểm khác cũng cần được làm gấp rút để hoàn thành cùng lúc với tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, “như vậy mới giúp tăng lưu lượng khách, góp phần cho ngân sách nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư”.

Một dự án chỉ 5.000 mét vuông đất của TTC Land cũng gặp tình cảnh tương tự suốt 11 năm qua khi phải “án binh bất động” do chỉ còn 1 hộ dân không chấp nhận mức giá đền bù theo phương án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, “Giá đền bù theo quy định hơn 4 tỷ đồng nhưng họ đang muốn gần… 30 tỷ đồng! Cư dân cũng không hợp tác thương lượng. Chúng tôi cần chính quyền hỗ trợ kết nối giải quyết”, Tồng Giám đốc TTC Land Bùi Tiến Thắng khẩn thiết đề nghị.

Chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhanh chóng cho hay ngay tuần sau sẽ họp cùng lãnh đạo các quận huyện có liên quan để tìm cách tháo gỡ cụ thể cho từng dự án.

“Nguyên tắc của pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả DN và người dân. Ai sai phải xử lý người đó! Chúng tôi đã đề nghị huyện Nhà Bè nhanh chóng làm rõ và phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng đúng là tiến độ đang chậm”, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thẳng thắn nhìn nhận về vướng mắc tại Phú Long.

Lợi dụng quy định tách thửa, những hệ lụy “nhãn tiền”

Cũng khiến hội nghị “nóng hổi” không kém là những hệ lụy do lực lượng đầu cơ gây ra khi TPHCM cho thực hiện quy định tách thửa đất ở (Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017).

Ban đầu, quy định này ra đời với chủ trương hỗ trợ người dân tách đất cho con cái có nơi cư ngụ độc lập khi “ra riêng”. Tuy nhiên, thực tế vận hành sau đó cho thấy, nhiều “đầu nậu” đã thu gom các khu đất tách thửa này, sau đó “hợp thửa” lại rồi cho phân lô bán nền. Hậu quả là đã có không ít khu dân cư mới ở Hóc Môn, Bình Chánh “thành hình” một cách tự phát trong khi những hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường sá, hệ thống chiếu sáng công cộng lại không có. “Khổ nỗi, cư dân địa phương đã bán hết những mảnh đất ‘tách thửa’ này cho người nhập cư từ các nơi khác tới sinh sống rồi. Người mua đa phần là lao động nghèo, giờ không cho họ xây cũng không được, mà cho xây thì hạ tầng không có”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói.

Vậy ai là những “đầu nậu” tạo ra các biến tướng đó? Ngoài lực lượng “tự do”, cũng không loại trừ khả năng có cả DN bất động sản vì “bất đắc dĩ” mà có thể sẽ trở thành… “đầu nậu” cho loại đất ‘tách thửa’ này.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), một trong những vướng mắc lớn của các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện nay là không thể xin được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Bởi theo quy định thì chỉ có đất ở mới được sử dụng để xây dựng dự án nhà ở. Trong khi đó, hiện có tới 75% các dự án đang xin “chấp thuận chủ trương đầu tư” tại TPHCM là đất hỗn hợp (tức dự án tọa lạc trên diện tích gồm cả đất ở, đất nông nghiệp, đất dành cho xây dựng nhà xưởng…).

Đây không chỉ là vấn đề lớn làm ảnh hưởng tới nguồn cung cho thị trường bất động sản sắp tới mà còn có thể làm phát sinh nguy cơ DN lách luật bằng cách xin tách thửa, rồi xin chuyển mục đích sử dụng từng thửa đất này thành đất ở. Sau đó, lại xin “hợp thửa” để được chấp thuận chủ trương đầu tư. “Làm được như vậy cũng đã là may, chỉ sợ tới lúc chuyển mục đích sử dụng đất xong, DN lại chọn phương án ‘khỏe’ hơn là bán luôn đất ấy cho người dân. Lúc đó sẽ hình thành các khu dân cư tự phát, không có hạ tầng, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị…”, ông Nghĩa ái ngại nói.

Đáp lại thực tế trên, người đại diện lãnh đạo UBND TPHCM tại Hội nghị đã khẳng định sẽ “triển khai Quyết định 60 theo hướng phân loại những người có nhu cầu tách thửa thực sự cho gia đình, quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng luồn lách mua gom, phân lô bán nền, xây nên những khu dân cư không có hạ tầng gì”.

Được biết, ngay sau tết Nguyên đán, các sở ngành có liên quan sẽ ra đánh giá sơ kết một năm thực hiện Quyết định 60. Từ đó, TPHCM sẽ có các giải pháp nhằm chấn chỉnh lại hoạt động tách thửa trên toàn địa bàn.

Phương Hiền

Top