Bình Dương: Công ty Thuận Lợi đang “diễn” với cơ quan chức năng

27/07/2019 12:23 PM

Trong khi doanh nghiệp đang nợ hàng chục tỷ tiền thuế, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế thu hồi, đưa tên lên phương tiện thông tin đại chúng, thì Công ty Thuận Lợi lại sẵn sàng chi gần 1.270 tỷ đồng để đấu giá quyền sử dụng đất tại Đồng Nai. Bình Dương: Kiến nghị hủy bỏ chủ trương thu hồi đất công giao cho Công ty Thuận Lợi

Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều khách hàng mua đất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) đã làm đơn tố cáo công ty này về hành vi bán đất công, đất không có cơ sở pháp lý có dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Theo đó, các lô đất mà Công ty Thuận Lợi bán cho khách hàng nằm xen cài trong ranh Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Điều đáng nói, các lô đất mà người dân mua lại nằm trong 7.551m2 đất công đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền giao cho UBND phường Mỹ Phước quản lý sử dụng.

Nhận thấy Công ty Thuận Lợi có hành vi san lấp mặt bằng trên phần đất công đã được giao cho phường quản lý, ngày 16/3/2017, UBND phường Mỹ Phước đã có văn bản số 31/UBND yêu cầu Công ty Thuận Lợi ngừng thi công các công trình trên phần đất công và khôi phục các cột mốc trên phần đất này.

Văn bản của phường Mỹ Phước yêu cầu Công ty Thuận Lợi dừng thi công trên đất công

Qua các cuộc họp của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho thấy, 7.551m2 đất công nói trên Công ty Thuận Lợi chưa được giao đất, chưa có quyền sử dụng đất, hiện vẫn là đất công nhưng công ty này đã ngang nhiên san lấp làm hạ tầng rồi đem bán cho khách hàng.

Đáng lưu ý, ngày 5/4/2019, UBND thị xã Bến Cát, đại diện các phòng ban chuyên môn, UBND phường Mỹ Phước, Công ty Thuận Lợi, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) đã có cuộc họp về việc xử lý 7.551 m2 đất công nằm trong ranh dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu B.

UBND thị xã Bến Cát đề nghị chủ đầu tư (Công ty Thuận Lợi- PV) thực hiện một trong hai phương án, cụ thể: Phương án 1, đền bù lại cho UBND phường Mỹ Phước một thửa đất khác có diện tích và giá trị ngang bằng với 7.551m2 đất công trong khu quy hoạch để địa phương xây dựng công trình phúc lợi; Phương án 2, trường hợp được các ngành chức năng thẩm định giá trị thửa đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề nghị chủ đầu tư nộp số tiền trên vào ngân sách địa phương để thị xã Bến Cát xây dựng công trình cho phường Mỹ Phước.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Công ty Thuận Lợi cho biết hiện không có khả năng thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất với khu đất trên. Công ty Thuận Lợi đề nghị được nộp tiền sử dụng đất để hoàn thành dự án.

Vào ngày 17/6/2019 vừa qua, Cục Thuế Bình Dương có Văn bản số 9726/CT- QLN về việc tăng cường quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế tính đến ngày 4/6/2019, có 35 doanh nghiệp nợ thuế.

Trong danh sách 35 doanh nghiệp nợ thuế có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) do ông Nguyễn Thuận làm Tổng Giám đốc còn nợ 50.459.806.604 đồng. Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh do bà Đặng Thị Kim Oanh (là vợ ông Nguyễn Thuận- PV) nợ 103.157.516.245 đồng tiền thuế.

Danh sách các công ty nợ thuế được nêu công khai, Công ty Kim Oanh đứng đầu, Công ty Thuận Lợi đứng thứ 4.

Ở một diễn biến khác, ngày 18/7/2019, qua ba vòng đấu giá khu đất công có diện tích 49,8ha tại Đồng Nai, Công ty Thuận Lợi đã vượt qua 6 nhà đầu tư khác để trúng với giá gần 1.270 tỷ đồng.

Khu đất công có diện tích 49,8ha, được xem là "đất vàng" với mặt tiền giáp Tỉnh lộ 769, gần dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, trước đây do Tổng công ty cao su Đồng Nai sử dụng sau đó UBND tỉnh  Đồng Nai thu hồi giao lại Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Qua các sự việc trên cho thấy, dường như Công ty Thuận Lợi đang có những “toan tính” khó hiểu? Bởi lẽ, doanh nghiệp này đang nợ thuế đến hơn 50 tỷ đồng, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế thu hồi, đưa tên lên phương tiện thông tin đại chúng.

Còn tại Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4, phường Mỹ Phước, khi được cơ quan chức năng tạo điều kiện xử lý 7.551m2 đất công nằm xen cài trong dự án, thì Công ty Thuận Lợi trình bày không có khả năng thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất với khu đất trên. Công ty Thuận Lợi đề nghị được nộp tiền sử dụng đất để hoàn thành dự án.

Vậy nhưng điều lạ là, Công ty Thuận Lợi lại mạnh tay bỏ giá để trúng đấu giá quyền sử dụng đất gần 50ha ở Đồng Nai với số tiền gần 1.270 tỷ đồng (?).

Liệu “kịch bản” trúng đấu giá rồi cố tình kéo dài thời gian thanh toán gây thiệt hại cho chủ đất và Nhà nước mà Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận lợi đã từng thực hiện, dẫn đến các cơ quan chức năng đang phải tổ chức thanh tra hai đơn vị này, có lặp lại với cuộc đấu giá ở Đồng Nai ?

Theo Báo Công lý

Top