Biên giới Vị Xuyên - Từ trận tuyến nóng bỏng đến đài hương tưởng niệm

15/02/2019 10:30 AM

(Chinhphu.vn) - Trên bản đồ, Vị Xuyên là huyện lớn nằm ở vùng lõm miền biên giới Bắc-Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Diện tích rộng gần 1.600 cây số vuông, rừng núi dày đặc ở biên cương Vị Xuyên tạo thành hệ thống phòng thủ tự nhiên khá lợi hại; nhưng xưa nay không vì thế mà tránh khỏi họa xâm lăng. Bài ca ra trận: Chiến đấu vì độc lập tự do Việt Nam - 14 năm hai lần cả nước hành quân r

Đài hương tưởng niệm trên Cao điểm 468 ở Vị Xuyên

Những thế kỷ xa xưa, Vị Xuyên thường trở thành tuyến đầu cản những đạo quân hùng mạnh từ phía bắc tràn sang; nơi đây cũng nhiều lần chứng kiến cảnh kẻ thù kinh hồn bạt vía thất trận, tháo chạy trở về.

Năm 1979, do vị trí địa - quân sự hiểm hóc, Vị Xuyên làm mũi nhọn giữ vững mặt trận Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập từ 1976-1991). Những năm 1984-1989, Vị Xuyên tiếp tục vị trí chiến lược địa-quân sự, trở thành trận tuyến nóng bỏng, ác liệt kéo dài duy nhất trên toàn tuyến biên giới phía bắc.

Trận tuyến biên giới Vị Xuyên trở thành nơi các quân đoàn chủ lực địch lần lượt đến luân chiến; nhưng quân dân Vị Xuyên cùng toàn tỉnh Hà Tuyên và cả nước chia xẻ, tiếp sức chiến đấu giữ vững biên cương.

Vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên năm xưa sau nhiều năm thống kê đã công bố: Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; hơn 9.000 thương - bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi quân xâm lược. Đến nay vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt; nghĩa trang Vị Xuyên có 1.750 phần mộ nhưng nhiều phần mộ vẫn chưa có tên.

Các đài hương hiện nay chính là nơi những trận đánh xảy ra ác liệt và nhiều quân dân ta ngã xuống, máu thấm đất biên cương, là điểm ghi dấu tinh thần vệ quốc bất khuất của người Việt Nam.

Năm 2016, Đài hương trên điểm cao 468 xây dựng từ công sức và tiền bạc của cựu chiến binh và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356, đồng đội và thân nhân liệt sĩ làm nơi tưởng nhớ và gặp gỡ sau chiến trận. Từ đài hương trên điểm cao 468 nhìn sang bên kia đồi Lò vôi 762 vẫn trắng xoá như vôi, lẫn trong đó bao xương thịt những con dân Việt giữ đất biên cương. Xa nữa dãy điểm cao 1050 sừng sững miền biên Bắc; xương cốt các chiến sĩ giữ biên cương Tổ quốc năm 1984-1989 còn rải khắp những triền núi ấy.

Cũng trong năm 2016, đồng đội đã tìm thấy cuốn nhật ký và bức thư viết cho mẹ chưa kịp gửi trong tư trang của liệt sĩ Trần Trung Thực quê ở Phú Thọ. Anh ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 149 Sư đoàn 356, từng thề ước hết chiến tranh trở về sẽ sống chung một nhà với bạn gái là ca sĩ Kim Thanh văn công Sư đoàn. Nhưng mong ước ấy không thể thực hiện được - mùa xuân năm 1985 anh hy sinh (ngày 14/1/1985) trong một trận chiến khốc liệt tại mặt trận Vị Xuyên.

Lá thư xuân và những trang nhật ký của anh để lại còn nguyên cả tuổi trẻ và mùa xuân Vị Xuyên khi anh ghi chép: “Ở đây đồi núi trùng điệp nhấp nhô, có rừng xanh bao phủ, có dòng suối Thanh Thủy uốn khúc và dòng sông Lô đỏ ngầu phù sa chảy về xuôi. Đây là chưa kể tới những thác bạc réo rắt như bản nhạc muôn thuở và sớm chiều mây trắng vờn quấn như đùa bỡn với cỏ, cây hoa lá cùng muôn cảnh vật. Bản ở đây nghe tên cũng đẹp, Thanh Đức, Thanh Hương, Nậm Ngoặt, Nà Cáy, Nà Toong, Nậm Tà... Quây quần bên những sườn núi, được con người từ bao đời tạo hóa nên những ruộng bậc thang trải dài thật đẹp, tựa như một kiến trúc hài hòa thêm cảnh đẹp biên giới của đất nước”.

Mùa xuân tái tạo thứ 40 có máu xương của hàng ngàn liệt sĩ và bao người nằm trên mảnh đất biên cương, có những thế hệ tiếp nối của hơn 10 vạn dân Vị Xuyên thuộc 15 dân tộc gồm: Tày, Dao, Kinh, Nùng… sinh sống đang vun trồng cho mùa xuân sinh sôi nảy nở.

Hà Minh Hồng

Top