Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tách rời thành công cặp đôi song sinh

15/07/2020 8:23 PM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 12 giờ đồng hồ căng thẳng, gần 100 y bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật cho cặp đôi song sinh tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

2 bé song sinh khi nhỏ - Ảnh: BVNĐ

Cuộc phẫu thuật tách rời cặp đôi song sinh được tiến hành qua 3 giai đoạn, kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ. Sau khi đưa các bé vào phòng mổ lúc 5h30 sáng 15/7, các y bác sĩ bắt đầu tiến hành các bước tách cặp đôi song sinh.

Cụ thể, từ 6h30 đến 9h51, các y bác sĩ bắt đầu cuộc mổ tách 2 bé. Từ 10h41 đến 14h07, các y bác sĩ tiến hành tách đôi 2 bé. Sau khi được tách rời, bé Diệu Nhi ở lại phòng mổ cũ, bé Trúc Nhi được chuyển sang phòng mổ kế bên. Diệu Nhi được giữ lại hậu môn thật và 1/2 đại tràng trái, Trúc Nhi được giữ lại đoạn hồi tràng chung, van hồi manh tràng và 1/2 đại tràng phải.

Đến 19h20 cùng ngày, các bác sĩ hoàn thiện tách dính ca song sinh phức tạp. 

Ngay sau khi hoàn thành cuộc mổ, TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vui mừng thông báo ca phẫu thuật cơ bản đã thành công, hiện 2 bé đã được chuyển qua phòng hồi sức.

BS Định cho biết, trong quá trình diễn ra ca mổ, tuy gặp một số khó khăn nhưng các y bác sĩ đã vượt qua. Theo BS Định, do bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị hiện đại nên mọi chẩn đoán đều khá chính xác, kế hoạch vạch ra cũng đúng như dự kiến ban đầu, đó chính là thành công của ca mổ.

BS Định nói thêm, cuộc phẫu thuật của 2 bé song sinh là một quá trình đầy thử thách, từ thời kỳ sơ sinh đến khi các bé vào bệnh viện, đến quá trình chăm sóc, hội chẩn...

Theo kế hoạch trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục hồi sức, ổn định hô hấp, tuần hoàn, theo dõi hồi phục hoạt động của đường tiết niệu, đường tiêu hóa và các biến chứng có thể xảy ra trong những ngày tiếp theo.

TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin về ca phẫu thuật tách rời 2 bé song sinh. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Tháng 7/2019, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận từ Bệnh viện Hùng Vương 1 trường hợp song sinh dính nhau đặc biệt. Đây là trường hợp sản phụ 25 tuổi mang thai lần đầu, vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ được phát hiện mang thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, 2 thai có chung 1 dây rốn. Sản phụ được mổ lấy thai chủ động lúc thai 33 tuần, cân nặng lúc sinh cả 2 bé được 3.2 kg.

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của 2 bé cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác.

Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục hiện 2 bé nay đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, đủ điều kiện sức khỏe cần thiết để được tách dính.

Qua thăm khám ban đầu các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.

Với các phương tiện chẩn đoán hiện đại dành cho Nhi khoa như chụp cộng hưởng từ (MRI), Chụp vi tính cắt lớp mạch máu (CTA) các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện đã phát hiện hàng loạt các bất thường tại vùng bụng chung. 

Về hệ tiêu hóa: 2 bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu, 2 bé có 2 bàng quang nằm 2 bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, 2 bé còn có hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành 1 vòng tròn.

Để chuẩn bị cho ca mổ, Ngành Y tế đã huy động 93 nhân viên, bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, bệnh viện Xuyên Á và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết.

Nguyễn Kim

Top