Bất động sản bán lẻ TPHCM: Nhiều tín hiệu lạc quan

16/01/2021 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Tác động từ việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, phân khúc bất động sản bán lẻ tại TPHCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỉ lệ lấp đầy, nguồn cung mới hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động. Công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Colliers International Việt Nam nhận định đây cũng là tiền đề để ngành này có sức bật mạnh mẽ hơn trong năm mới 2021.

Tín hiệu phục hồi

Bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Số lượng mặt bằng bị trả lại cho chủ khá nhiều và hiển nhiên là không ít các cuộc thương thảo đã diễn ra nhằm mục đích giảm mức giá cho thuê. Do vậy, số lượng mặt bằng cần tìm người thuê mới cũng tăng lên đáng kể, là hệ quả của việc “thoái lui” hàng loạt, bao gồm cả những thương hiệu được chú ý như Auchan, Parkson hay Big C (đã phải đóng cửa một số chi nhánh).

Quý IV/2020, đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động khiến giá thuê mặt bằng trong nước tiếp đà giảm. Đáng chú ý, giá thuê đã giảm trung bình 10 USD so với mức giá cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, tỉ lệ lấp đầy vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá tốt, thậm chí còn cao hơn 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Biểu đồ thể hiện giá chào thuê trung bình (average asking rent) và tỷ lệ lấp đầy (occupancy rate) tại thị trường BĐS bán lẻ TPHCM

Nguồn cung mới khá dồi dào

Dữ liệu nguồn cung mới của bất động sản bán lẻ cho thấy một diện mạo đầy tươi mới trong quý vừa qua. Đầu tiên, phải kể đến dự án Terra Royal tại Quận 3, cung cấp thêm cho phân khúc này diện tích 7.712 m2. Với 7 dự án khác nữa, bất động sản bán lẻ có thêm phần diện tích khoảng 50.000 m2. Phần lớn các dự án này hiện diện tại khu vực phía đông của Thành phố bao gồm Quận 2, Quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Đáng chú ý, sau quãng thời gian dài sửa chữa, Parkson đã cho vận hành một trung tâm mua sắm tại Quận 1 với diện tích khoảng 1.700 m2. Tại cùng trung tâm này, bên cạnh Uniqlo, một thương hiệu Nhật Bản khác là MUJI cũng đã khai trương cửa hàng gia dụng của mình và dự kiến sẽ tăng GFA (gross floor area - tổng diện tích sàn) lên khoảng 2.000 m2 trong thời gian tới.

Biểu đồ thể hiện nguồn cung mới tại thị trường BĐS bán lẻ TPHCM

Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn

Hàng xa xỉ vẫn giữ được mức tiêu thụ ổn định bất chấp việc lượng du khách quốc tế giảm đột ngột. Nhiều hãng bán lẻ hàng cao cấp vẫn tiếp tục thuê các vị trí đất “vàng” và mở rộng hoạt động của mình như Uniqlo, Giordano, ACE hay Watson.

Colliers Internationl Việt Nam đánh giá đây là những chỉ dấu quan trọng cho thấy rằng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức uy tín trong thời gian gần đây như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liên tục đưa ra những chỉ số hết sức lạc quan về kinh tế Việt Nam trong dài hạn, cùng với khả năng sẽ có đến 96 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030, có thể là những nguyên nhân quan trọng giúp “nâng hạng” Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu, giúp thu hút thêm nguồn vốn ngoại. Họ chừng như còn muốn “đón đầu” cơ hội chinh phục Gen Z (những người sinh từ khoảng giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000) vốn có phong cách cởi mở và cá tính hơn, được dự đoán sẽ sớm trở thành lực lượng tiêu dùng chính yếu của xã hội.

Dự đoán 2021: Tăng trưởng mạnh

Colliers International Việt Nam cho rằng sẽ có 5 dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ được hoàn thành trong năm 2021. Những dự án này sẽ giúp cho phân khúc bất động sản bán lẻ có thêm 216.000 m2. Đáng chú ý là việc trung tâm thương mại Socar Shopping Mall tại thành phố Thủ Đức đang được gấp rút hoàn thành vào quý 1 năm 2021.

Tiếp theo đó, các dự án khác cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành là Vincom Megamall Grand Park (thành phố Thủ Đức) và Elite Mall (Quận 8), giúp cho thị trường bán lẻ có thêm 430.000 m2 mặt bằng.

Colliers International Việt Nam nhận định rằng trong quý đầu tiên của năm mới 2021, đại dịch COVID-19 có thể sẽ được kiểm soát tốt hơn nữa. Thêm vào đó, với tác động của các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam là Liên minh châu Âu (EVFTA), thị trường bán lẻ sẽ có những thay đổi đáng kể với độ “mở” lớn dành cho doanh nghiệp khối EU. Thêm nữa, với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 01/01/2021, khả năng nhiều nhà đầu tư Anh quốc hơn tiến vào thị trường Việt Nam càng trở nên rõ rệt.

Không thể không nhắc đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các thành viên ASEAN và 5 nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ có thể là “trợ lực” giúp bất động sản bán lẻ có thêm nhiều nhu cầu thuê và cả nguồn mặt bằng mới trong thời gian tới đây.

Ngọc Tấn

Top