Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Vì sao chưa làm an lòng doanh nghiệp

15/02/2019 12:23 PM

(Chinhphu.vn) - Không chỉ các startups non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường mà một số doanh nghiệp đã “trưởng thành” vẫn ngập ngừng cho hay đang rất thiếu niềm tin vào khả năng các sở hữu trí tuệ được pháp luật trong nước bảo vệ hiệu quả.

Giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta trên thực tế những năm qua cho thấy đây là khâu yếu nhất hay chính là sự áp dụng chưa thành công Luật Sở  hữu trí tuệ.

Đăng ký sở hữu trí tuệ: SMEs nói “ngại quá đi thôi”!

Nghị quyết 01 của Chính phủ định hướng chỉ đạo, điều hành phát triển Kinh tế xã hội năm 2019, đã yêu cầu “thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng”. Theo đó, khẳng định “phát triển mạnh doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ” như là một trong những nội dung cấu thành thiết yếu.

Nếu như sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang là mối quan tâm đặc biệt của các DN lớn thì với không ít những người mới khởi nghiệp (startups), SHTT là điều gì đó nghe rất chi xa vời và cũng thật là mơ hồ khi sánh với áp lực “cơm áo” mỗi ngày của một DN non trẻ. Thế nên, dường như những vụ kiện tụng tốn kém để lấy lại các thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba… vẫn chưa thể là bài học đắt giá cho rất nhiều SMEs và startups, nhất là khi nhiều người vẫn nghĩ rằng sản phẩm làm ra chỉ loanh quanh “sân nhà” nên cũng chẳng cần đăng ký bảo hộ quốc tế làm gì!

Một số giải thích khác thì cho rằng bởi quá nhiều startups ngày nay ra đời mà chưa dựa trên yếu tố đổi mới sáng tạo, chưa tích hợp được công nghệ đặc thù nào, thay vào đó chỉ mới sao chép mô hình kinh doanh, ý tưởng hoặc những sản phẩm tương tự đã có trên thị trường trong và ngoài nước nên thực tình cũng không có gì để… đăng ký bảo hộ trước cơ quan chức năng!

Tuy nhiên, không có gì để bảo hộ là một lẽ, vậy tại sao có những DN dù đã khởi nghiệp cả chục năm, với rất nhiều sáng chế vẫn ngại ngần khi nói về việc cần phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Nhà sáng lập một DN chuyên sản xuất các chế phẩm vi sinh tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM e ngại cho hay “có thể bị lộ bí mật thương mại và công nghệ ngay từ khâu… đăng ký vì phải chứng minh sự khác biệt của sản phẩm với các hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường”.

Với một số DN đã “trưởng thành” khác, tình hình cũng không khá hơn là bao khi có người vẫn ngập ngừng cho rằng đang rất thiếu niềm tin vào khả năng các SHTT được pháp luật trong nước bảo vệ hiệu quả. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Nguyễn Duy, Tổng Giám đốc Công ty Kova Trading, một trong những DN có rất nhiều sáng chế công nghệ và thương mại hóa thành công, từng cho hay chưa hề đăng ký bất cứ một bằng sáng chế nào tại Việt Nam, tức tất cả sáng chế 25 năm qua của DN này đều được đăng ký ở nước ngoài.

Vì sao những cam kết bảo mật của cơ quan nhận đăng ký và thực hiện các thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước vẫn chưa thể làm an lòng các DN, nhất là những DN “trẻ tuổi”? Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) thuộc Thành Đoàn TPHCM - cùng với chuyện sợ mất thời gian, sợ tốn kém chi phí, chủ yếu nhiều startups chưa nhận thức đủ tầm quan trọng của việc được bảo hộ sản phẩm trí tuệ và nhất là sợ lộ bí mật công nghệ hay rò rỉ mô hình kinh doanh.

Sở hữu trí tuệ: Cơ hội để ra khỏi “ao nhà”

Vậy thì hệ quả nào sẽ xảy đến nếu DN không đăng ký các sở hữu trí tuệ của mình? Không chỉ càng dễ bị sao chép công nghệ, mô hình kinh doanh, thương hiệu… hay đối mặt với sự ngờ vực từ khách hàng, xa hơn nữa, “DN còn có thể bị cuốn vào những cuộc kiện tụng, tranh giành bản quyền cực kỳ bất lợi, nhất là với các startups non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường”, người đại diện BSSC nhận định.

Theo GS. TS Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM -   kinh nghiệm “xương máu” khi thí điểm hỗ trợ các startups thời gian qua tại đơn vị này cho thấy nếu sản phẩm muốn xuất khẩu thì sở hữu trí tuệ là điều tối quan trọng vì cùng với xu thế hội nhập và phát triển bền vững, khách hàng quốc tế ngày càng mong muốn có được những sản phẩm minh bạch hơn.

“Với những thương hiệu lớn, đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì họ không quan tâm đến đăng ký sở hữu trí tuệ nữa, để bảo mật tuyệt đối, như trường hợp Siemens của Đức chẳng hạn. Nhưng với các DN ‘mới nổi’ thì chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng chỉ có thể đến từ chất lượng và sự minh bạch được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, nhà nhập khẩu sẽ luôn hỏi người bán về bản quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm”, GS. TS Lê Hoài Quốc khẳng định.

Tất nhiên, cũng từng có những bất cập trong đăng ký sở hữu trí tuệ, như vị Tổng Giám đốc Công ty Kova Trading từng phàn nàn, rằng “DN rất khó khăn khi đăng ký sản phẩm mang tên ‘sơn CT11A chống thấm’ vì luật chưa bảo hộ những cái tên có chữ và số ghép lại với nhau. Vậy nên nhiều DN khác đã sử dụng tên này để kinh doanh”. Tuy nhiên, những “lăn tăn” ấy không có nghĩa DN nên khước từ quyền lợi được pháp luật bảo vệ ở rất nhiều tài sản trí tuệ khác.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH & ĐT) Lê Mạnh Hùng tại một diễn đàn kinh doanh cuối năm 2018 cũng đã cho hay “khung pháp lý cho sở hữu trí tuệ tại Việt Nam có thể chưa đến được với tất cả DN, vì có thể cách làm chưa mang tính thị trường cao. Vì vậy Bộ KH&ĐT sẽ trao đổi thêm với Bộ Khoa học và Công nghệ để cải thiện dần”.

Trong khi chờ đợi hoàn chỉnh thêm hàng lang pháp lý, hiện tại, đã có rất nhiều nơi mà SMEs và startups có thể tìm đến để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đó không chỉ là các cơ quan phụ trách khoa học công nghệ, mà còn là các vườn ươm, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các khu công nghệ cao…

Phương Hiền

Top