Bảo đảm an toàn cho hơn 24.500 lượt tàu ra vào các cảng miền Nam

03/03/2019 5:08 PM

(Chinhphu.vn) - 24.545 lượt tàu ra vào các cảng thuộc Cảng vụ hàng hải miền Nam an toàn, 25 tuyến luồng hàng hải với tổng chiều dài 774,31km được vận hành, 2 công trình nạo vét duy tu luồng Sài Gòn - Vũng Tàu và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu đã được thực hiện và nghiệm thu… trong năm 2018 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải trong vùng trách nhiệm được giao. Ảnh: VGP/Hoài Lâm

Theo báo cáo của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ GTVT), năm 2018, Tổng công ty được Nhà nước giao quản lý, vận hành 52 đèn biển (trong đó có 13 đèn biển trên khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1), 25 tuyến luồng hàng hải với tổng chiều dài 774,31km (tăng 22,06 km so với năm 2017), 798 thiết bị báo hiệu hàng hải (gồm 654 phao, 144 tiêu) hoạt động đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tuân thủ các quy định hiện hành, góp phần làm giảm tai nạn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Năm 2018, đơn vị này cũng thực hiện triển khai thi công 2 công trình gồm: Nạo vét duy tu luồng Sài Gòn - Vũng Tàu và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.

Trong đó, công trình Nạo vét duy tu luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đã nghiệm thu hoàn thành đạt chuẩn tắc thiết kế, tiến độ và chất lượng. Còn công trình nạo vét duy tu luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã được điều chỉnh kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải thực hiện trong 2 năm (2018-2019) đang được triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết, các Công ty Hoa tiêu hàng hải đã thực hiện dẫn 24.545 lượt tàu ra vào các cảng trong khu vực được giao quản lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, hàng hóa và phương tiện, đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Về doanh thu, năm 2018, doanh thu của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đạt hơn 1.400 tỷ đồng (tăng 30,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch 18,2%), nộp Ngân sách Nhà nước 190 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 120 tỷ đồng…

Đặc biệt, doanh thu công ích tăng 334,688 tỷ đồng (tương ứng 49,2%) so với năm 2017.

“Doanh thu công ích tăng là do năm 2018 Tổng công ty được giao thực hiện tiếp 3 công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải chuyển tiếp từ năm 2017 với tổng kinh phí là 265,988 tỷ đồng (bao gồm: luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng Quy Nhơn, luồng Vũng Tàu- Thị Vải) và thực hiện nhiệm vụ công ích khác được giao thêm với kinh phí là 68,7 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Thu An lý giải.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá “đây là kết quả ấn tượng không chỉ so với năm 2017 mà còn vượt bậc và tốt nhất trong 8 năm gần đây”.

“Vừa rồi Tàu CMA CGM Marco Polo trọng tải 187.000 tấn/sức chở gần 17.000 TEU kết nối trực tiếp hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Á - Âu cập bến Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải, và là một trong những điểm nhấn của ngành hàng hải Việt Nam ngay đầu năm mới 2019. Với việc đón tàu Marco Polo, Cái Mép - Thị Vải trở thành một trong 19 khu bến trên thế giới có thể đón được tàu tải trọng siêu lớn.

Cũng tại cảng Cái Mép, mỗi tuần có đến hơn 20 tuyến vận chuyển hàng hoá đi châu Âu và bờ tây nước Mỹ. Những tuyến “tàu mẹ” này khiến cho việc vận chuyển hàng hoá thuận tiện hơn, không qua nước thứ ba. Hiện nay, với trang thiết bị hiện đại và sản lượng hàng hoá qua Cái Mép ngày càng tăng cao, khu bến cảng này đã dần khẳng định vị thế TOP đầu ASEAN, chỉ sau Singapore, góp phần đánh dấu bước phát triển của ngành hàng hải Việt Nam trên bản đồ thế giới”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu cán bộ công nhân viên và người lao động của Tổng công ty cần phải chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song song với hoạt động công ích được Bộ GTVT và Chính phủ giao.

“Có vậy mới chủ động thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận. Tuy là doanh nghiệp công ích nhưng làm thế nào để lợi nhuận từ khu vực sản xuất ngoài công ích cũng không kém nhiệm vụ chính, không trông chờ hoàn toàn vào “bầu sữa mẹ” ngân sách thì khi đó doanh nghiệp mới thực sự lớn mạnh, có gốc để phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ rõ.

Hoa tiêu đang tác nghiệp trên biển. Ảnh: VGP/Ngọc Nam

Đối với những nhiệm vụ trong năm 2019, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải trong vùng trách nhiệm được giao, không để xảy ra bất cứ tai nạn hàng hải nào do lỗi của hệ thống báo hiệu hoặc thông báo hàng hải. Khắc phục nhanh chóng, kịp thời các sự cố hàng hải, sự cố đột xuất, đảm bảo giao thông hàng hải luôn thông suốt và an toàn.

Thực hiện tốt công tác cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không có tư tưởng độc quyền trong công việc. Thực hiện công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải năm 2019 đúng tiến độ được Cục Hàng hải Việt Nam duyệt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo hoàn thành trước 31/12/2019.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch duy tu nạo vét phù hợp, tránh mùa mưa bão; triển khai các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết  bị đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, mang lại hiệu quả đầu tư; tiếp tục phát huy thế mạnh ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 từ việc xây dựng hạ tầng công nghệ...

Phan Trang

Top